25 cách chăm sóc giúp con khỏe mạnh

Các chuyên gia nhi khoa đã đúc kết 25 nguyên tắc quan trọng nhất dưới đây để bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ nhỏ.

1. Nuôi con bằng sữa mẹ

Bú sữa mẹ càng lâu bao nhiêu, bé càng được khỏe mạnh bấy nhiêu. Vì trong sữa mẹ chứa những dưỡng chất giúp sức đề kháng của bé phát triển chống lại chứng dị ứng và những căn bệnh truyền nhiễm.

2. Tiêm vắc-xin

Muốn giữ sức khỏe của con thật tốt, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để tiêm phòng đúng ngày. Vắc-xin sẽ giúp cơ thể trẻ tự tạo miễn dịch với những chứng bệnh phổ biến. Cũng đừng lo lắng quá vì chúng rất an toàn!

3. Giữ ngôi nhà của bạn thật an toàn với trẻ

Những ca nhập viện trẻ em thường là do tai nạn bất ngờ và hơn phân nửa số đó xảy ra ở ngay tại nhà. Vậy nên đừng bao giờ để bé ở một mình, đặt những vật dụng nguy hiểm xa khỏi tầm tay chúng và trang bị thêm những thiết bị hỗ trợ như cửa chắn cầu thang, chuông báo cháy…

4. Pha sữa đúng cách

Những lúc sữa mẹ không đáp ứng đủ, hãy thật cẩn thận trong việc cho bé bú sữa bình. Tránh pha sữa quá loãng sẽ khiến sữa không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trẻ. Ngược lại, nếu pha sữa quá đặc sẽ làm cho thận trẻ hoạt động quá sức.

5. Thật cẩn thận trong cách ăn uống của chính bạn

Khi cho con bú, bạn đã truyền tất cả những gì mình hấp thụ sang cơ thể trẻ thông qua sữa mẹ. Vậy nên hãy tránh sử dụng thức uống chứa caffeine hay rượu. Tự hạn chế mình ở mức dùng chỉ 2 hoặc 3 cốc trà, cà phê hoặc một cốc rượu nhỏ mỗi ngày. Tránh cho trẻ bú từ 2 – 3 tiếng sau khi uống, để cơ thể bạn đủ thời gian loại bỏ chất cồn ra ngoài. Đồng thời việc hút thuốc cũng làm tăng hàm lượng caffeine trong sữa mẹ nữa đấy!

6. Luôn có sẵn paracetamol trong nhà

Si-rô paracetamol giúp bé hạ sốt. Nếu bạn còn băn khoăn về liều lượng dùng cho con, hãy nhờ bác sỹ tư vấn, điều đó cũng phụ thuộc vào cân nặng của bé nữa. Đừng tự ý cho con bạn dùng thuốc khi bé còn dưới 3 tháng.
Phải chú ý ngay khi nhiệt kế chỉ ra nhiệt độ cơ thể con bạn đang quá cao: 38oC đối với trẻ dưới 3 tháng, 38.3oC với trẻ từ 3 – 6 tháng và 39.4oC cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Ngoài ra còn có những biểu hiện nguy hiểm bất thường khác như bé không phản ứng lại sự trêu đùa của bạn hoặc xuất hiện những nốt phát ban trên da.

7. Giấc ngủ thật sâu

Trẻ em dưới 2 tuổi cần ngủ 13 tiếng mỗi ngày: 10 tiếng cho giấc ngủ buổi tối và thêm 1 hay 2 tiếng cho giấc ngủ trưa trong ngày.
Ngủ đủ giấc rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ em. Trong lúc ngủ, hormone tăng trưởng được giải phóng, chất dinh dưỡng được hấp thụ và lượng kiến thức sẽ được não bộ xử lý, củng cố. Ngủ hay nghỉ ngơi cũng giúp bé nâng cao sức đề kháng. Những đứa trẻ thường xuyên bỏ giấc có khuynh hướng dễ lây các bệnh truyền nhiễm, rất dễ cáu kỉnh, hiếu động quá mức, thiếu tập trung và không phát triển đầy đủ các kỹ năng xã hội.

8. Thường xuyên vui đùa với bé

Tiếng cười kích thích phát tán endorphin, chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể. Nụ cười là liều thuốc tốt nhất, nó xoa dịu căng thẳng và giúp chữa lành cả lý trí, thể xác và tâm hồn. Sự lạc quan giúp vấn đề khó khăn trở nên đỡ căng thẳng hơn. Tiếng cười có sức lan truyền và giúp cổ vũ tinh thần những ai đang ở xung quanh bạn.

Và điều quan trọng nhất, hãy tự vấn mình rằng, đừng làm bất cứ việc gì trở nên quá trầm trọng. Hãy cứ nhẹ nhàng đi, rồi hoàn cảnh xung quanh cũng sẽ như thế mà!

9. Tập cho bé ngủ đúng giờ

Để cải thiện giấc ngủ, trẻ em cần tập ngủ đúng giờ giấc từ khi còn nhỏ. Hãy thử tập cho bé một chu kỳ như sau cho mỗi đêm: uống 1 cốc sữa, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo ngủ, chúc ngủ ngon, nghe một câu chuyện ngắn, dỗ dành và từ từ tắt đèn. Hãy luôn khuyến khích con bạn tự đi ngủ và ngủ ở giường riêng của chúng.

10. Rửa tay sạch

Tập thói quen rửa tay thật sạch trước và sau khi ẵm bé, đề phòng trường hợp bạn có thể lây nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cho bé, hoặc từ tã của bé sang cho người khác.

11. Tận hưởng những buổi đi dạo

Đưa con đi hóng mát trong một bầu không khí trong lành sẽ giúp rất nhiều trong việc phát triển cảm xúc của trẻ, bé sẽ trở nên vui vẻ hơn. Bạn cũng có thể tận hưởng cho riêng mình những khoảnh khắc ấy. Đó cũng là một cách để thư giãn đấy!

12. Dùng thực phẩm tươi

Hoa quả hay trái cây tươi là những thứ rất tốt cho sức khỏe của trẻ, ăn tươi giúp cơ thể bé hấp thụ chất dinh dưỡng và vitamin nhiều hơn khi được nấu chín.

13. Bỏ hút thuốc

Để con bạn hít phải khói thuốc lá làm gia tăng khả năng đột tử và gây ra những vấn đề thật sự nghiêm trọng về hô hấp, kể cả bệnh hen suyễn.”- Bác sĩ Su Laurent,Chuyên viên phụ khoa M&B.

14. Cho con uống nhiều nước

Dỗ ngọt và động viên con bạn tập thói quen uống nước lọc mỗi khi khát cho đến khi bé ngưng bú mẹ. Tránh việc đưa những đồ ăn thức uống có chứa đường vào khẩu phần của bé hết mức có thể. Điều đó sẽ giúp bé định hình khẩu vị và từ chối những đồ ăn ngọt.

15. Chú ý đến mọi sự phát triển trong cơ thể bé

Những vấn đề với thị lực, thính giác hay những phát triển tổng quát sẽ dễ dàng được chữa trị hơn nếu chúng được phát hiện sớm.

16. Tập cho bé vận động nhiều

Ngay khi trẻ biết cử động, hãy động viên con càng năng động càng tốt. Ở lứa tuổi này, hoạt động là rất quan trọng để giúp tim, cơ chân tay và phổi phát triển tốt.

17. Thường xuyên mát-xa cho bé

Xoa bóp còn liên quan đến việc giúp bé tăng cân vì bạn sẽ giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn từ đó giấc ngủ được tốt hơn.”- Tan Lay Kean, chuyên viên vật lý trị liệu thuộc chương trình Mát-xa trẻ em bệnh viện Parkway – Singapore. Xoa bóp cho bé cũng là 1 cách để bạn thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình. Việc này cũng giúp thắt chặt hơn sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mát-xa còn giúp xoa dịu cơn đầy hơi, đau bụng, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và kích thích hệ tiêu hóa của trẻ.

18. Đừng quên rau xanh

Những loại rau xanh như rau bi-na (spinach) hay cải xanh là nguồn cung cấp vitamin rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Chúng cũng chứa cả can-xi giúp xương và răng bé chắc hơn.

19. Phơi nắng

Ánh sáng mặt trời rất tốt giúp bé phát triển hệ xương chắc chắn, nhưng hãy bôi cho bé một lớp kem chống nắng ở mức 15 – mức bảo vệ nhẹ nhàng nhất. Tuy nhiên, hãy tránh ánh nắng gắt buổi trưa và chiều chiếu trực tiếp lên da bé.

20. Âu yếm bé nhiều hơn

Hãy mang đến cho con bạn cảm thấy được yêu thương, che chở, an toàn. Hãy ôm bé vào lòng bất cứ lúc nào bạn có thể khi đang đọc sách, chơi đùa hay xem ti-vi.

21. Cẩn thận khi dùng muối

Đừng cho muối hay bất cứ gia vị nào vào thức ăn của bé cho đến sau khi bé 10 tháng tuổi, vì thận bé chưa thể lọc natri hiệu quả được. Thậm chí đến khi con lớn hơn cũng nên hạn chế những thức ăn quá mặn như phô mai, thịt muối hay bánh snack tẩm gia vị để tránh việc bé thích khẩu vị mặn.

22. Giúp con mát mẻ

Nếu con bạn bị sốt, hãy giữ mát cho bé. Một chiếc áo pyjamas cũng đủ rồi, không cần thêm áo khoác đâu.

23. Đừng cai sữa quá sớm

Trong sáu tháng đầu đời, sữa mẹ là tất cả những gì bé cần. Nếu bạn muốn bé cai sữa sớm hơn, hãy tham vấn ý kiến của Bác sĩ phụ khoa.

24. Bảo vệ tai trẻ

Loại trừ những nguy cơ nhiễm trùng tai cho con bằng cách luôn giữ cho tai bé khô thoáng hết mức có thể. Thấm khô tai bé bằng bông gòn, nhưng tránh dùng tăm bông.

25. Khẩu phần ăn: được và không được

Để ngăn chặn chứng béo phì từ lúc nhỏ và những ảnh hưởng của nó cho cuộc sống sau này, hãy đảm bảo rằng con bạn đang có một khẩu phần ăn cân đối với trái cây và rau xanh, hạn chế thức ăn nhanh và bánh snack tẩm gia vị.

Bài viết kiến thức liên quan