Con vào lớp 1 sẽ không còn bỡ ngỡ với môn Toán nếu ngay từ bây giờ bố mẹ cho con chơi những trò chơi kiểu Nhật dưới đây. Một trong những thách thức với cả các bạn khỏ và phụ huynh khi có con vào lớp 1 là làm sao dạy con học toán mà không khô cứng, nhàm chán.
Trong một bài viết chia sẻ về cách người Nhật cải thiện khả năng và niềm yêu thích đối với môn Toán của của học sinh trên trang web của trường Đại học Gavle (Thụy Điển), Yukiko Asami-Johansson, nhà nghiên cứu Nhật Bản tại đại học này chia sẻ rằng, ở các trường học ở Nhật Bản, các giáo viên dạy Toán luôn luôn nhấn mạnh: "Điều tôi muốn các em làm khi giải toán là thể hiện cách nghĩ của mình". Khi bài toán được đưa ra, thầy cô không giải mẫu từ đầu mà để học sinh tự mày mò. Từng em tìm cách giải theo ý mình, sau đó làm việc theo nhóm. Học sinh sẽ nhận ra việc dự đoán dẫn lối suy nghĩ đi theo hướng hợp lý. Bên cạnh đó, khi đoán câu trả lời, các em sẽ tò mò muốn biết mình làm đúng hay sai. Đó là bởi người Nhật quan điểm rằng kết quả học tập sẽ thay đổi tích cực nhờ kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên lựa chọn các bài toán phù hợp với nội dung bài học và đoán cách học sinh sẽ giải chúng.
Một số phương pháp dạy toán trong nhà trường Nhật Bản như sử dụng bàn tính, vẽ những đoạn thẳng cắt nhau đơn giản đại diện cho từng chữ số có trong phép tính nhân để tính toán những phép tính con số lớn hay học bảng cửu chương bằng thơ… cũng tạo hứng thú học Toán cho học sinh vô cùng hiệu quả. Khả năng tính nhẩm siêu tốc của học sinh Nhật Bản trên bàn tính thực và sau khi đã thành thạo hơn, là bàn tính tưởng tượng trong đầu, được đánh giá rất cao. Đã có những cuộc thi, trong đó, học sinh Nhật thể hiện sự vượt trội thông qua các phép tính rất dài, với chữ số lướt qua cực nhanh, nhưng các em có thể tìm ra kết quả ngay khi phép tính kết thúc. Theo Chương trình đánh giá học sinh toàn cầu (PISA), trẻ em Nhật Bản cũng đứng thứ hai thế giới về môn Toán.
Không chỉ ở nhà trường, ngay từ nhỏ, khoảng từ 3 tuổi, niềm yêu thích khám phá Toán học cũng như nền tảng logic vững chắc của trẻ em Nhật Bản đã được bố mẹ nuôi dưỡng qua những trò chơi kiểu Nhật vô cùng thú vị. Các trò chơi này đã được tổng hợp trong bộ sách "Học Toán qua trò chơi kiểu Nhật" của tác giả - giáo sư Shiomi Toshiyuki. Bộ sách được chia thành 6 tập với các chủ đề giúp trẻ làm quen với các khái niệm cơ bản của Toán học như Hình khối, Hình dạng, Số thứ tự, Số lượng…
Trò chơi nối số với các hình ảnh ngộ nghĩnh vừa giúp trẻ làm quen với số thứ tự và nhận biết số, đây là một kĩ năng cơ bản trong toán học sẽ giúp trẻ tạo nền tảng cho các kiến thức về sau này. (Ảnh: HM)
Giúp trẻ hình thành khái niệm "số lượng" không phải là một điều đơn giản, thế nhưng các bài luyện thú vị như những trò chơi trong cuốn sách "Học toán qua trò chơi kiểm Nhật" chủ đề số lượng sẽ giúp các bạn nhỏ sắp vào lớp 1 dễ dàng hiểu thêm về khái niệm này. (Ảnh: HM)
Với từng chủ đề, tác giả Shiomi đều có những phần chia sẻ kĩ càng với cha mẹ về khả năng nhận thức của trẻ ở từng giai đoạn với các khái niệm, những kỹ năng mà trẻ có để đạt được khi làm quen với các bài tập đó và đặc biệt là những lưu ý khi tương tác và đồng hành cùng con. Đó đều là những kĩ năng vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho con vào lớp 1 như cách cầm bút, khả năng tập trung và các kĩ năng quan sát, tính toán cơ bản để thông qua việc học Toán, trẻ vừa rèn luyện tư duy, vừa hoàn thiện những kĩ năng học tập của mình một cách vui vẻ, thú vị.
Tác giả Shiomi luôn nhấn mạnh bố mẹ cần giúp trẻ thư giãn, cảm thấy thích thú như là đang chơi trò giải đó vậy. Niềm yêu thích chính là một trong các yếu tố quan trọng giúp trẻ học tập tốt hơn. Vì thế ông có lời khuyên đối với cha mẹ là đừng thúc giục con phải làm bài nhanh hay làm liên tục các bài luyện, bởi vì theo tác giả Shiomi "độ chính xác quan trọng hơn là thời gian". Bằng việc từng bước từng bước cố gắng, bé sẽ kiên trì hơn và cải thiện tốc độ tư duy của mình.
Cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi con khi trẻ làm tốt và hoàn thành bài luyện của mình. Cuốn sách cũng tặng kèm những hình dán đáng yêu để bố mẹ làm phần thưởng khen ngợi trẻ.