"Đánh chừa" hay nói rằng "Nín đi, không sao đâu" liệu có phải là cách ứng xử đúng đắn khi trẻ vấp ngã của bố mẹ?
Mỗi gia đình đều có quan điểm nuôi dạy con riêng. Và ngay trong 1 gia đình, đôi khi hai vợ chồng cũng mâu thuẫn nhau về cách dạy con. Gần đây, bà mẹ tên Thủy Xuân rất bức xúc với chồng vì chuyện này.
Con trai cô đang tuổi tập đi, một ngày bé phải ngã đến vài lần. Nhìn con đang chập chững những bước đi đầu tiên trong đời, khi loạng choạng bước, khi vấp ngã nhào sấp mặt xuống đất, Thủy Xuân không nỡ lòng nào mà ngồi xa quan sát con tự đứng dậy. Thế nhưng, chồng cô lại khó chịu mỗi khi thấy vợ lại đỡ con ngã. Trong khi Thủy Xuân không thể chịu đựng được tiếng con khóc vì ngã thì chồng cô lại cho rằng đỡ con dậy là làm hỏng đứa trẻ.
Vậy khi trẻ vấp ngã, có nên đỡ bé dậy hay không?
Câu trả lời của các chuyên gia tâm lý là NÊN. Song điều quan trọng là phản ứng của cha mẹ đi kèm hành động đỡ con dậy khi vấp ngã.
Xét về khía cạnh thực tế, khi nhìn thấy con ngã, phản ứng tự nhiên của bố mẹ là vội vã lại gần đỡ con đứng dậy. Nếu không làm vậy, bố mẹ, ông bà đều cảm thấy xót con, xót cháu, thậm chí vừa đỡ còn vừa dỗ dành.
Tuy nhiên, có 1 số ý kiến cho rằng khi trẻ ngã, nếu nhìn thấy người lớn, chúng sẽ khóc lóc rất to, tỏ vẻ đau đớn, đáng thương, song nếu không có người lớn, lại chẳng hề thấy tiếng khóc nào. Điều đó chứng tỏ hành động đỡ dậy của người lớn là đang nuông chiều trẻ và còn làm trẻ hư thêm.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng phản ứng với các kích thích bên ngoài từ lúc vài tháng tuổi. Khi ngã mà có người lớn đỡ dậy, điều đó sẽ khiến trẻ nhanh chóng được xoa dịu và cảm thấy an toàn.
Vậy khi trẻ ngã, nên ứng xử như thế nào? 3 cách ứng xử của cha mẹ tạo ra 3 đứa trẻ với tính cách hoàn toàn khác nhau.
1. Nói "Không sao, không đau đâu!"
Để an ủi con, nhiều bố mẹ có thói quen nói "Không sao, không đau đâu, có gì nghiên trọng đâu" khi thấy con vấp ngã. Câu nói này lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại với mục đích mà bố mẹ mong muốn.
Rõ ràng khi ngã là trẻ đang cảm thấy đau, rất đau song bố mẹ lại "bắt" trẻ nghĩ rằng không đau, không thừa nhận cảm xúc của trẻ. Như thế, trẻ cảm thấy không được an ủi, bố mẹ không hiểu mình, thành ra cáu kỉnh trong lòng mà không giải tỏa được.
Điều này lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng. Lớn lên, trẻ dễ trở thành người sống khép kín, suy nghĩ cực đoan, không thích giao tiếp với người khác vì chúng nghĩ rằng chẳng ai hiểu mình, muốn chia sẻ cùng mình.
2. "Có gì đâu mà khóc!"
Thấy con vấp ngã và khóc rất lâu, tâm lý chung của bố mẹ là vô cùng sốt ruột. Vì thế người lớn hay có thói quen nói "Nín đi, không khóc nữa", "Không phải khóc, có gì đâu mà khóc". Ngăn cản trẻ khóc khi chúng đang bị đau sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình trong lòng trẻ.
Giai đoạn 3 - 5 tuổi, trẻ rất nhạy cảm về cảm xúc, trẻ dùng tiếng khóc để thể hiện cảm xúc và thu hút sự chú ý của người khác. Khi bố mẹ nói như trên, trẻ cảm thấy vô cùng thất vọng, mục đích thu hút sự chú ý của trẻ thất bại. Khi không được đáp lại, trẻ sẽ có những thay đổi trong cảm xúc phản kháng. Ban đầu, trẻ có thể khóc to hơn, nhiều lần, bé sẽ không muốn nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ hay chia sẻ với cha mẹ nữa.
Những đứa trẻ như vậy theo các chuyên gia tâm lý lớn lên sẽ dễ trở thành đứa trẻ nổi loạn.
3. "Đánh chừa" nơi đứa trẻ ngã xuống
Đây cũng là 1 trong những cách ứng xử quen thuộc của không ít bố mẹ, ông bà. Để dỗ dành trẻ, khi thấy cháu ngã, ông bà hay có thói quen "đánh chừa" vào mặt đất, vào chiếc bàn, chiếc ghế - nơi trẻ ngã xuống hay va vào. Người lớn nghĩ rằng cách này sẽ khiến trẻ nguôi ngoai. Nhưng không may thay, trẻ con là những "thần đồng bắt chước". Điều này vô tình đã khiến đứa trẻ học được rằng khi gặp thất bại, khó khăn, chắc chắc sẽ có nguyên do từ đâu đó chứ không phải do mình. Chúng dần hình thành tâm lý đổ lỗi cho mọi người, mọi hoàn cảnh.
Đứa trẻ như vậy, lớn lên sẽ khó mà có ý chí và thành công trong tương lai.
Vậy khi trẻ vấp ngã, cha mẹ nên làm gì?
- Quan sát mức độ nghiêm trọng của cú ngã: Phản ứng đầu tiên của cha mẹ là nên quan sát vết thương. Thông thường, khi trẻ ngã về phía trước sẽ không có gì nghiêm trọng nhưng những cú ngã đập đầu về phía sau cần được xem xét kĩ lưỡng.
- Nếu trẻ ngã bình thường, hãy khuyến khích trẻ đứng dậy: Nếu cú ngã không để lại vết thương chảy máu, ngã trên mặt đất phẳng thì thường không để lại vấn đề gì lớn. Cha mẹ không cần quá lo lắng. Hãy giữ tâm lý thoải mái, không quá hốt hoảng nhưng tập trung về phía trẻ và động viên trẻ tự đứng dậy. Sau đó, bố mẹ có thể hỏi xem con có khó chịu hay đau ở đâu không...
- Xử lý kịp thời các tình huống nghiêm trọng: Nếu trẻ khóc ngằn ngặt, không tự đứng dậy được, hãy đưa trẻ đến nơi an toàn và quan sát khắp người bé xem vết thương ra sao để có cách xử trí tiếp theo.
Theo Pháp luật và bạn đọc