Kỹ năng sống và kiến thức cơ bản sẽ là nền tảng tốt cho quá trình học hỏi, phát triển và giữ an toàn cho trẻ sau này.
Thực tế, các bé được học kỹ năng từ sớm, đúng phương pháp sẽ trở nên tự tin, nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh mẽ và sẵn sàng đối phó với những trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Nhiều người quan niệm rằng, đối với trẻ mầm non thì việc làm cần thiết nhất là nuôi dưỡng tốt về thể chất, còn học tập thì để tới giai đoạn sau. Song các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trẻ ở độ tuổi này chính là “thời kỳ vàng” để phát triển. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ không thể lúc nào cũng theo sát và bảo vệ con mọi lúc mọi nơi nên việc trang bị cho con kỹ năng sống sẽ giúp trẻ được an toàn, tránh xa những nguy hiểm, cạm bẫy đang rình rập ở phía trước.
Dưới đây là một vài kiến thức, kỹ năng cần thiết mà cha mẹ nên lưu ý để nuôi dạy trẻ trở thành những cá nhân độc lập, tự tin và mạnh mẽ.
1. Kỹ năng sống thực tế
Đây chính là kỹ năng đơn giản nhất, để trẻ có thể tự phục vụ mình trong cuộc sống hàng ngày. Các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ các kỹ năng thực tế nhất như: trẻ có thể tự đánh răng, tự đi vệ sinh, tự vứt rác, tự lấy cốc và uống nước, tự mặc và cởi quần áo, tưới cây và biết làm một số việc nhà đơn giản khác. Các công việc diễn ra hàng ngày như vậy, sẽ giúp trẻ khéo léo hơn, nhanh nhẹn hơn, rèn luyện cho trẻ tính kiên trì và làm việc có chủ đích.
2. Kỹ năng sinh tồn
Kỹ năng sinh tồn là kỹ năng có sẵn trong tiềm thức của trẻ. Ở độ tuổi này, cha mẹ cần có những cuộc trò chuyện, bài học đơn giản về quyền tự chủ thân thể để trẻ hiểu rõ hơn và biết cách bảo vệ bản thân. Khi gặp tình huống xấu, các con hãy làm theo bản năng, không chấp thuận hay thỏa hiệp với bất cứ trường hợp nào, như vậy trẻ sẽ tránh được nguy cơ bị kẻ xấu bắt cóc, lợi dụng hay xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, để phát huy kỹ năng sống này, cha mẹ có thể dạy con rèn luyện thể lực như cho các con học bơi, học võ, học múa... để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, tạo sự cứng cáp và mềm dẻo.
3. Kỹ năng ứng xử
Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, việc hướng dẫn con các bài học cơ bản về cách ứng xử là việc làm rất cần thiết đối với cha mẹ. Những câu nói đơn giản nhưng lại là một khởi đầu tuyệt vời đối với bé, đấy là những câu nói thường ngày như “cảm ơn”, “xin lỗi”, “vâng ạ”... Cha mẹ nên đưa ra nhiều ví dụ minh họa về cách ứng xử, trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn để hình thành những thói quen tốt cho cuộc sống sau này. Việc cha mẹ và trẻ tương tác càng nhiều càng có lợi cho việc dạy và bảo vệ con an toàn. Trong những tình huống khác nhau, trẻ đã nhận thức được thời điểm nào thì nên dùng câu nói nào mới phù hợp.
Cuộc sống có thể không mấy dễ dàng nhưng cha mẹ nên hướng con mình đến những điều tích cực, tạo cho trẻ niềm tin và hi vọng dù cho bao khó khăn, nguy hiểm ở phía trước. Trẻ được trang bị tốt các kiến thức và kỹ năng sống cần thiết sẽ giúp trẻ an toàn hơn khi phải đối mặt với những thăng trầm bất ngờ xảy ra lúc trưởng thành.