Tăng huyết áp (THA) được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 1,8 tỷ người trên thế giới bị THA và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên. Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ những người từ 25 tuổi trở lên bị THA chiếm 25,1%, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA.
Bỏ ngay thói quen “thích lên thì ăn, vui lên thì uống”
Một người được xác định là bị THA là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg .
Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến hiện nay và cũng là bệnh thường gặp. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tỷ lệ những người không biết mình mắc bệnh khá cao trong cộng đồng. THA có thể gây ra biến chứng lên mắt, não, tim, thận... khiến người bệnh mắc một số căn bệnh như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phình tách động mạch... Ngoài việc sử dụng thuốc để duy trì huyết áp ổn định, thực hiện các chế độ tập luyện thì chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những vấn đề không chỉ người bị mắc THA mà cả những người có nguy cơ bị THA cần quan tâm.
Theo PGS.TS. Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với tỉ lệ gần 30% người trưởng thành bị THA là 25% là con số rất đáng suy nghĩ. Đáng nói là, trong nhu cầu dinh dưỡng hiện nay thì thường mọi người hay có thói quen thích thì ăn, thích thì uống, nhất là thói quen lạm dụng rượu bia tăng nhanh chóng và ngại ăn rau. Ngoài ra, khi ăn, mọi người lại hay ăn phủ tạng làm cholesterol tăng cao, trong khi lượng ăn rau quả lại ít đi khiến nguy cơ bị THA, mỡ máu cao hơn. Cùng với đó, các đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, nước có ga được sử dụng thoải mái khiến cho việc tích trữ năng lượng, tăng cân, vòng eo to ra làm ảnh hưởng đến mỡ máu, tim mạch.
PGS. Mai cũng lưu ý, đáng ngại là nhiều người không dành thời gian vận động thể dục thể thao trong khi theo WHO nếu mỗi ngày dành10 phút vận động sẽ có lưu chuyển dòng máu tốt hơn, căng thẳng được giải quyết, bớt nguy cơ rối loạn lipid máu, THA.
Bên cạnh đó, PGS. Mai cũng chỉ một quan niệm sai lầm của rất nhiều người đó là “gầy thì không bị mắc” THA. Thực tế nếu không có chế độ dinh dưỡng không hợp lý vẫn ảnh hưởng đến chuyển hóa lipid máu, gây rối loạn mỡ máu và THA ở người gầy.
Chế độ ăn lành mạnh, thể thao hợp lý để “tránh xa” bệnh THA
PGS. Mai khuyến cáo, đối với người mắc bệnh THA, mỡ máu hoặc bệnh tim mạch thì cần lưu ý kiểm soát cân nặng, không để tăng cân, chỉ số khối cơ thể nên 20-33.
Thứ 2, cần quan tâm đến chất béo ăn vào, không nên kiêng hết nhưng cần quan tâm chất lượng chất béo bão hòa (mỡ động vật 4 chân) nên hạn chế, các loại mỡ của cá, gia cầm gà vịt có thể chấp nhận được.
Trong tất cả thực phẩm giàu cholesterol thì lòng đỏ trứng nhiều cholesterol nhưng lại cân đối. Người dân không phải kiêng cholesterol mà cần thay cũ đổi mới để không bị ứ đọng tạo vữa xơ động mạch dẫn đến THA.
Không nên ăn phủ tạng động vật, đặc biệt là món óc chần dễ tạo vữa xơ động mạch gây THA.
Cần tăng yếu tố bảo vệ để tránh THA bằng cách ăn nhiều rau, mỗi ngày ăn 4 lạng rau (ưu tiên ăn rau lá màu xanh thẫm), ăn nhiều quả chín...
Không nên ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5g muối một người mỗi ngày. Hạn chế dưa muối cà muối, tẩm ướp đồ ăn, hạn chế rượu bia...
“Cần tăng cường vận động thể lực để giải tỏa stress căng thẳng, bớt nguyên nhân dẫn đến THA, rối loạn lipid máu”. PGS. Mai lưu ý.
Bệnh THA diễn ra rất thầm lặng. Kinh nghiệm bất cứ gì khác thường trong cơ thể nên kiểm tra huyết áp. Khi cảm thấy trong người có dấu hiệu mệt, nặng đầu nên đo huyết áp. Chóng mặt, tim đập mạnh cũng nên đo huyết áp. Đây là những dấu hiệu không điển hình nhưng đo huyết áp thấy tăng cao.
Người ta thường nói hãy nhớ số đo huyết áp của mình và mỗi năm vào sinh nhật của mình cũng nên đo huyết áp một lần. Mỗi năm nên khám sức khỏe để biết huyết áp của mình thế nào bởi điều này cũng có thể sẽ cho bạn lời cảnh báo về bệnh.
H. Nguyên