Kiến thức
7 cách tăng chiều cao cho bé trong giai đoạn vàng từ 0 - 6 tuổi

Cha mẹ nào cũng mong con yêu khỏe mạnh, cao lớn, phát triển vượt trội cả về thể chất lẫn trí tuệ. Để đạt được điều đó, cha mẹ đừng quên hỗ trợ đúng cách trong giai đoạn vàng giúp tăng chiều cao cho bé tốt nhất có thể nhé! 

Theo các chuyên gia, chiều cao của một người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có dinh dưỡng, sự rèn luyện thể chất, di truyền và cả những vấn đề khác như sức khỏe, môi trường sống… Để tăng chiều cao cho bé hiệu quả, bố mẹ cần phải hiểu rõ sự phát triển của trẻ và rèn cho con những thói quen sống lành mạnh ngay từ nhỏ. Thông thường, mỗi đứa trẻ phát triển ở một tốc độ khác nhau và ngưng cao thêm sau tuổi dậy thì.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

 Trước khi đi tìm hiểu cách tăng chiều cao cho bé trong giai đoạn vàng từ 0 – 6 tuổi, hãy cùng điểm qua về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của một người, chẳng hạn như:

1. Di truyền

Các nhà khoa học tin rằng khoảng 80% chiều cao của một cá nhân được xác định bởi các biến thể trình tự ADN mà họ đã thừa hưởng từ cha, mẹ. Do đó, nếu các thành viên trong gia đình đều có chiều cao khiêm tốn thì khả năng cao là trẻ cũng không có được vóc dáng cao ráo như những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có chiều cao nổi bật.

2. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, chất lượng thực phẩm kém cũng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tăng trưởng chiều cao của bé. Những đứa trẻ không được ăn uống đầy đủ dưỡng chất thường không cao lớn bằng bạn bè đồng trang lứa có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn.

Việc mẹ bầu không ăn uống đủ chất trong lúc mang thai cũng có khả năng con sinh ra gặp nhiều vấn đề về tăng trưởng và phát triển.

3. Chế độ vận động thể chất

Các hoạt động thể chất, bao gồm tập thể dục, chơi thể thao, rất cần thiết cho sự phát triển ở giai đoạn đầu đời. Việc tham gia vận động thể chất sẽ giúp xây dựng khối lượng cơ và hệ xương chắc khỏe. Nghiên cứu cũng cho thấy chiều cao trung bình của dân số cao hơn ở các nước công nghiệp hóa, khi mọi người có xu hướng luyện tập thể thao nhiều hơn.

4. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ là yếu tố thiết yếu để việc sản xuất các hormone diễn ra tốt hơn. Việc ngủ đủ giấc giúp hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển ở trẻ nhỏ cũng như thanh thiếu niên diễn ra tối ưu hơn. Bình thường, cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng cần thiết trong trạng thái ngủ sâu.

5. Hormone

Các hormone đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của con người, giúp tăng chiều cao cho bé trong giai đoạn đầu đời gồm:

Hormone tăng trưởng: do tuyến yên sản xuất. Trẻ em mắc phải một số vấn đề sức khỏe khiến cơ thể sản xuất ít hormone tăng trưởng sẽ gây ảnh hưởng đến chiều cao. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ thường đề nghị điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng.
Hormone tuyến giáp: do tuyến giáp sản xuất cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.
Hormone sinh dục: sự thay đổi các hormone testosterone và estrogen trong thời kỳ dậy thì ở các bé trai và bé gái cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, phát triển.

6. Tình trạng sức khỏe

Khi mắc phải một số vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự sản xuất các hormone hoặc quá trình tạo xương cũng khiến quá trình tăng chiều cao cho bé gặp trở ngại, chẳng hạn như:

Hội chứng Turner
Hội chứng Down
Bệnh loạn sản sụn
Suy dinh dưỡng
Ung thư
Hội chứng Cushing
Dậy thì sớm
Bệnh lùn.

7. Điều kiện sống

Các điều kiện sống khác nhau cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao trung bình của mọi người. Các nghiên cứu ghi nhận những người sống trong điều kiện lý tưởng, có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe phát triển và nguồn lực kinh tế lớn có chiều cao cao hơn những người ở các nước đang phát triển.

8. Môi trường

Môi trường xã hội, cảm xúc, kinh tế đều có tác động đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Nghiên cứu cho thấy trẻ em lớn lên trong điều kiện môi trường kém thường ít có khả năng phát triển chiều cao tốt.

Trong 150 năm qua, chiều cao trung bình của con người trên toàn thế giới đã tăng khoảng 10cm. Sự tăng trưởng này là do những thay đổi về tiến hóa và sự cải thiện các yếu tố môi trường, công nghệ, y học và dinh dưỡng.

9. Các yếu tố khác

Sự phát triển chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác từ trước khi ra đời như chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai của người mẹ, mẹ bầu có hút thuốc hay tiếp xúc với hóa chất độc hại hay không.

Giai đoạn bé tăng trưởng chiều cao tốt nhất

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sẽ phát triển liên tục. Các đĩa tăng trưởng ở xương dài của cánh tay và chân tạo ra xương mới, giúp xương dài ra và tăng trưởng chiều cao.

Trong năm đầu tiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường tăng trưởng 50% so với lúc mới sinh. Trẻ từ 2 – 5 tuổi tiếp tục tăng trưởng 6,3 – 8,9cm mỗi năm. Đến 10 tuổi, trẻ em sẽ tăng trưởng 6,3cm mỗi năm. Giai đoạn tuổi vị thành niên, từ 11 – 21 tuổi thì thanh thiếu niên đạt khoảng 15 – 20% chiều cao cuối cùng của người trưởng thành.

Sau đó, các đĩa tăng trưởng ngừng tạo ra xương mới và chiều cao sẽ không còn tăng lên. Theo quá trình lão hóa tự nhiên, chiều cao bắt đầu giảm dần khi già đi.

Như vậy có thể thấy giai đoạn tăng trưởng chiều cao tốt nhất ở trẻ là từ 0 – 6 tuổi. Đây còn được gọi là giai đoạn vàng để cha mẹ hỗ trợ tăng chiều cao cho bé tối ưu nhất trong khả năng đạt được.

Mách bố mẹ 7 cách tăng chiều cao cho bé tốt nhất

Như vậy, để tăng chiều cao cho bé thì cha mẹ cần chú ý các yếu tố sau đây:

1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm

Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng và đa dạng thực phẩm sẽ giúp cho trẻ phát triển toàn diện, bao gồm cả chiều cao. Thế thì cha mẹ nên bổ sung gì cho bé tăng chiều cao? Các thực phẩm tăng chiều cho bé gồm những gì?

Trước hết, protein là nhóm thực phẩm chính để xây dựng các mô của cơ thể. Ngoài việc giúp cơ thể tăng trưởng, protein còn có vai trò là nguồn tạo ra năng lượng chính, tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa trong cơ thể, củng cố hệ miễn dịch... Do đó, muốn tăng chiều cao cho bé, cha mẹ cần bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu, hạt…

Đồng thời, trẻ cũng cần ăn nhiều rau củ, trái cây để bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, kẽm, vitamin D, A, B, C…. Chế độ ăn của trẻ nên có đủ:

Trái cây tươi
Các loại rau củ
Ngũ cốc nguyên hạt
Protein

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Cụ thể hơn, cha mẹ có thể tham khảo 10 thực phẩm tăng chiều cao cho bé ở phần tiếp theo trong bài. Đồng thời, hãy hạn chế hoặc tránh để trẻ ăn nhiều các thực phẩm có chứa đường, chất béo chuyển hóa (trans fat), chất béo bão hòa.

2. Ngủ đủ giấc là cách tăng chiều cao cho bé tốt nhất

Trong giai đoạn tăng trưởng chiều cao, nếu trẻ thường xuyên bị thiếu ngủ, thời lượng ngủ ít hơn mức khuyến nghị thì sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến cơ thể. Hormone tăng trưởng chiều cao thường được sản sinh trong lúc ngủ. Vì thế trẻ không ngủ đủ giấc sẽ làm giảm lượng hormone tăng trưởng chiều cao cùng các hormone khác.

Thời gian ngủ được khuyến nghị theo từng độ tuổi để giúp tăng chiều cao cho bé từ 0 – 6 tuổi cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể như sau:

Độ tuổi của trẻ Tổng thời gian ngủ trong ngày (giờ)
Trẻ sơ sinh 18 – 20 giờ
1 – 3 tháng 14 – 17 giờ
Trẻ 4 – 12 tháng 12 – 16 giờ
Trẻ 1 – 2 tuổi 11 – 14 giờ
Trẻ 3 – 6 tuổi 10 – 13 giờ

3. Xây dựng lối sống lành mạnh – vận động thường xuyên

Tập thể dục, vận động thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như thúc đẩy sự phát triển chiều cao. Trẻ vận động nhiều sẽ tăng cường xây dựng cơ và xương, duy trì được cân nặng khỏe mạnh cũng như thúc đẩy sản sinh hormone tăng trưởng.

Những trẻ bắt đầu đi học nên tập thể dục ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Hãy khuyến khích trẻ vận động ngoài trời để tiếp xúc nhiều ánh nắng mặt trời, tăng cường khả năng tổng hợp vitamin D3 để kích thích hấp thu canxi cho xương phát triển.

4. Tập luyện các bài tập tăng chiều cao

Tùy từng độ tuổi khác nhau mà cha mẹ có thể lựa chọn cho con tham gia các môn vận động thích hợp để tăng chiều cao cho bé. Trẻ nhỏ có thể được hỗ trợ vận động bằng cách massage, cử động tay chân, tập đạp xe trên không hoặc thử tập bơi. Trẻ lớn nên ra ngoài trời chạy nhảy, hoạt động vươn thẳng tay chân như tập các động tác vươn tay, cùng chơi bóng, nhảy dây, chạy xe đạp với các bạn…

Sau khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia một số môn thể thao đơn giản như leo cầu thang, với cao, nhảy hai chân, đá cầu… để điều tiết thần kinh, chức năng nội tiết và các chức năng khác. Các bài tập tăng chiều cao hợp lý sẽ làm cho xương, cơ bắp càng thêm mạnh mẽ, khớp, dây chằng mềm dẻo hơn, từ đó giúp tăng chiều cao cho bé.

5. Thực hành tư thế tốt

Tư thế, dáng đi đứng xấu có thể khiến trẻ trông thấp hơn so với thực tế. Không những thế, việc gù lưng, khom lưng trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng đến chiều cao.

Theo cấu tạo giải phẫu tự nhiên, lưng sẽ cong ở 3 vị trí. Nếu trẻ thường xuyên khom người, rụt cổ, gù lưng sẽ gây ra những thay đổi để phù hợp với các tư thế này khiến xảy ra tình trạng đau mỏi ở các cơ nâng đỡ như cổ, lưng. Cha mẹ nên chú ý để điều chỉnh tư thế đúng cho con trong khi ngồi, đứng và nằm ngủ để xương phát triển ngay ngắn, hỗ trợ chiều cao tối ưu nhất cho trẻ.

6. Khám sức khỏe định kỳ và chủng ngừa đầy đủ

Bạn nên cho bé đi khám sức khỏe theo đúng lịch hẹn để kiểm tra chiều cao, cân nặng và kịp thờii phát hiện các vấn đề sức khỏe (nếu có). Việc phát hiện sớm trẻ bị chậm phát triển chiều cao sẽ giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ mắc bệnh thường có xu hướng biếng ăn, còi cọc cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, bao gồm cả chiều cao.

7. Tham khảo về việc sử dụng các thực phẩm bổ sung

Nếu cảm thấy trẻ chưa nhận đủ các dưỡng chất cần thiết thông qua chế độ ăn uống, các mẹ nên cân nhắc dùng thêm thực phẩm bổ sung cho con. Một số trường hợp trẻ thiếu chất so với giá trị tham chiếu thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thực phẩm chức năng để bổ sung chất còn thiếu với liều lượng phù hợp.

Để tăng chiều cao cho bé, cha mẹ nên đảm bảo bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tổng hợp xương như canxi, vitamin D, vitamin K…

Top 10 thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao

Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về những thực phẩm giúp bé tăng chiều cao, đừng quên ghi nhớ 10 loại thực phẩm sau:

1. Sữa

Sữa rất giàu canxi giúp thúc đẩy quá trình phát triển, đồng thời giúp xương trở nên chắc khỏe. Bên cạnh đó, vitamin A có trong sữa giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi tốt hơn. Ngoài ra, sữa cũng rất giàu protein, giúp tăng trưởng các tế bào trong cơ thể. Do đó, bạn nên cho bé uống từ 2 – 3 ly sữa mỗi ngày.

2. Sản phẩm từ sữa

Chế độ ăn tăng chiều cao cho bé hiệu quả sẽ không thể thiếu các thực phẩm làm từ sữa như phô mai, sữa chua uống, yaourt… Đây là những nguồn giàu vitamin A, B, D, E, protein và canxi giúp bé phát triển chiều cao nhanh chóng.

3. Trái cây và rau củ quả tươi

Những loại trái cây như đu đủ, cà rốt, súp lơ, cải bó xôi là những loại thực phẩm giàu chất xơ, kali, folate, đặc biệt là vitamin A, sẽ giúp phát triển xương và mô cho trẻ. Ngoài ra, vitamin C trong những loại trái cây có múi cũng hỗ trợ hấp thu canxi giúp tăng chiều cao cho bé.

4. Ngũ cốc

Ngũ cốc là một trong những thực phẩm lý tưởng với nguồn năng lượng dồi dào cùng với đó là chất xơ, vitamin, sắt, magiê và selen. Mẹ có thể cho bé ăn gạo lứt, mì ống và lúa mì nguyên cám đều là những thực phẩm từ ngũ cốc giúp phát triển chiều cao.

5. Thịt gà

Đây là loại thịt giàu protein, giúp bé tăng chiều cao hiệu quả và giúp xương dẻo dai hơn. Bạn có thể chế biến thịt gà theo nhiều cách khác nhau như luộc, hấp hoặc rán tùy theo sở thích của bé.

6. Trứng gà

Trong trứng có nguồn chất đạm với giá trị sinh học cao, dễ hấp thu, chứa nhiều axit amin hỗ trợ cho các hoạt động của cơ bắp, enzyme và là nguồn dưỡng chất góp phần tăng chiều cao cho bé. Trung bình, 1 quả trứng gà cung cấp 2,7g protein từ lòng đỏ và 3,6g protein từ lòng trắng. Ngoài ra, lòng đỏ trứng còn chứa nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho trẻ phát triển như sắt, kẽm, vitamin A.

7. Đậu nành

Đậu nành cũng là nguồn cung cấp protein từ thực vật cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển xương ở trẻ nhỏ.

8. Thịt bò

Thịt bò cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào cần cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý cho con ăn thịt ở mức độ vừa phải, không nên ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến nồng độ cholesterol trong máu.

9. Các loại cá

Cá cũng là nhóm thực phẩm giàu protein cùng các chất béo tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, cá hồi và cá ngừ là hai loại cá rất giàu vitamin D, protein, hỗ trợ tăng chiều cao cho bé rất tốt.

10. Bột yến mạch

Bột yến mạch có thể kết hợp với nhiều món khác để tăng cảm giác ngon miệng, vừa giúp bé có đủ năng lượng vừa giúp tăng chiều cao hiệu quả. Yến mạch là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm và có hàm lượng chất béo thấp. Không những vậy, protein trong yến mạch còn có khả năng kích thích tăng chiều cao, cân nặng ở trẻ.

Cách đo chiều cao của trẻ tại nhà đúng chuẩn là như thế nào?

Để theo dõi chiều cao của trẻ theo từng cột mốc phát triển, cha mẹ cần biết cách đo chiều cao đúng chuẩn cho con tại nhà. Cách thực hiện đo chiều cao cho trẻ như sau:

Cởi bỏ hết giày hay kẹp tóc của trẻ vì có thể ảnh hưởng đến kết quả đo chiều cao.

Cho trẻ đứng ở trên sàn, không có thảm trải trên sàn và đứng dọc theo tường.

Hướng dẫn trẻ đứng thẳng người, đặt chân bằng phẳng và quay lưng vào tường. Đồng thời, hai cánh tay đặt ở hai bên hông xuôi theo thân mình, vai bằng nhau.

Mắt trẻ hướng về phía trước và đường ngắm song song với mặt sàn.

Điều chỉnh cho vai, đầu, gót chân và mông của trẻ áp sát vào tường.

Đặt bảng gỗ (của thước đo đứng) áp sát đỉnh đầu của trẻ và vuông góc với thước đo.

Đặt mắt của bạn ngang với bảng gỗ.

Đánh dấu nhẹ điểm giao giữa phần cuối cùng của bảng gỗ với tường. Sử dụng thước cuộn kim loại, bắt đầu đo từ sàn đến điểm được đánh dấu trên tường.

Kết quả đo có thể chênh lệch với chiều cao thật khoảng 0,1 – 0,3cm.

Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã biết cách tăng chiều cao cho bé sao cho hiệu quả, an toàn trong giai đoạn vàng từ 0 – 6 tuổi. Đây sẽ là bước đệm để con tiếp tục lớn lên khỏe mạnh, cao lớn vượt trội. 

Đã thêm vào giỏ hàng !

Xem giỏ hàng